Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Sức khoẻ sinh sản

1.       ĐỊNH NGHĨA SỨC KHỎE SINH SẢN

1.1.    Định nghĩa

Theo Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển ở Cairo, 1994 (ICPD 1994): “Sức khoẻ sinh sản là sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hoặc tàn phế của hệ thống sinh sản”. Điều này cũng hàm ý là mọi người, kể cả nam và nữ, đều có quyền được nhận thông tin và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các biện pháp kế hoạch hoá gia đình an toàn, có hiệu quả và chấp nhận được theo sự lựa chọn của mình, bảo đảm cho người phụ nữ trải qua quá trình thai nghén và sinh đẻ an toàn, tạo cho các cặp vợ chồng cơ may tốt nhất để sinh được đứa con lành mạnh.

1.2.    Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

Sự phát triển kinh tế hay mức thu nhập
Dịch vụ chăm sóc Y tế
Vị trí của người phụ nữ trong xã hội (tôn giáo, tục lệ...)
Trình độ học vấn và văn hóa của phụ nữ

2.       CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN (2001 - 2010)
2.1.    Những thành tựu cơ bản
Mặc dù không có mức tăng trưởng kinh tế đặc biệt, Việt Nam vẫn có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực y tế và sức khoẻ sinh sản. Sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách và sự tiếp cận rộng rãi của nhân dân với chăm sóc sức khoẻ ban đầu đã góp phần quan trọng vào những kết quả khả quan đạt được về mặt này.

Trong những năm qua, đầu tư của nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nghiên cứu và lĩnh vực DS-KHHGĐ không ngừng được tăng lên đã tạo điều kiện cho việc củng cố và phát triển mạng lưới cơ sở y tế/ KHHGĐ rộng khắp đến tận các bản làng thôn xóm trong cả nước. Các dịch vụ phòng, chữa bệnh cho bà mẹ trẻ em, chăm sóc trước, trong và sau sinh, các dịch vụ KHHGĐ... kể cả do nhà nước và tư nhân cung cấp được mở rộng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Nhờ đó chúng ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ:
-        So sánh năm 1989 với năm 1999, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 3,8 con xuống còn 2,3 con và gia tăng dân số tự nhiên đã giảm từ 2,21% xuống còn 1,43%.
-        Trong thời gian từ 1990 - 1999 tỷ lệ tử vong mẹ đã được hạ thấp từ 200/100.000 trẻ đẻ ra sống xuống còn 100/100.000 và số tai biến sản khoa đã giảm được 52%.
-        Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 45,1%o trong năm 1994 (3) xuống chỉ còn 36,7%o năm 1999.
-        Tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 55,5%o trong giai đoạn 1982 - 1986 còn 37,7%o trong những năm 1992-1996 và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở cùng lứa tuổi đã giảm từ 44,9% năm 1994 xuống còn 36,7% năm 1999.
-        Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai năm 1988 là 53,7% đã tăng lên đến 75,3% vào năm 1997 và tỷ lệ sinh con được cán bộ có chuyên môn đỡ đã tăng từ 55% trong các năm 90- 94 lên 71% trong các năm 95-97.

2.2.    Những tồn tại 
2.2.1. Mức sinh ở nước ta tuy đã giảm nhưng chất lượng công tác KHHGĐ còn yếu thể hiện  ở tỷ lệ thất bại trong sử dụng các biện pháp tránh thai còn cao. Số con trung bình của một phụ nữ ở tuổi sinh đẻ là 2,3 nhưng ở các vùng trung du, miền núi, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, số này vẫn còn ở mức trên 3 hoặc 4 con.
2.2.2. Dân số nước ta mỗi năm vẫn tăng thêm khoảng một triệu người, như vậy dự tính vào năm 2020 dân số có thể lên tới gần 100 triệu, trong đó có khoảng 22 triệu người thuộc nhóm vị thành niên từ 10-19 tuổi. Nhóm dân số này là nguồn nhân lực chủ yếu của đất nước trong tương lai gần và cũng là đối tượng có nguy cơ cao về SKSS nhưng công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên chưa làm được nhiều.
2.2.3. Việc chăm sóc phụ nữ có thai và các bà mẹ còn nhiều thiếu sót. Tỷ lệ các bà mẹ được khám thai và khi đẻ được cán bộ chuyên môn giúp đỡ còn thấp, việc chăm sóc sau sinh, việc hướng dẫn cho bú mẹ và cách nuôi con chưa được chú ý làm tốt. Nguyên nhân là do sự yếu kém của hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, đặc biệt là ở một số vùng khó khăn. Do đó, tỷ lệ tử vong mẹ với những nguyên nhân chủ yếu là các tai biến sản khoa cũng như tỷ lệ tử vong chu sinh còn cao, nhất là ở các vùng nói trên.
2.2.4. Tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục khá cao, sự tăng nhanh HIV/ AIDS, đặc biệt là trong những thanh niên dưới 25 tuổi đang là điều đáng lo ngại. Trong khi đó việc giáo dục tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ phòng và chữa chưa được phổ cập rộng rãi với sự phối hợp tham gia của mọi cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công cũng như tư.
2.2.5. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ còn cao nhưng các biện pháp nhằm dự phòng và điều trị vô sinh, nhất là việc áp dụng những kỹ thuật cao còn hạn chế.
2.2.6. Bệnh ung thư ở phụ nữ được xếp vào hạng nguyên nhân tử vong thứ hai sau các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, trong đó phổ biến nhất là ung thư vú và ung thư cổ tử cung và tỷ lệ mắc ở nông thôn cao hơn nhiều ở thành thị.
2.2.7. Các vấn đề về SKSS ở người cao tuổi cũng đang đặt ra nhiều nhiệm vụ phải giải quyết trong khuôn khổ các hoạt động CSSKSS trong những năm tới.

2.3.    Những thách thức

2.3.1. Nhận thức về nội dung và ý nghĩa của SKSS chưa được đầy đủ, sự thiếu hiểu biết về cách đề phòng các nguy cơ đối với SKSS cùng với những tập tục lạc hậu trong lối sống cũng như trong hành vi ứng xử khi có các vấn đề về sức khoẻ của nhân dân, nhất là ở các vùng dân tộc và các vùng khó khăn về địa lý, kinh tế và văn hoá xã hội đã góp phần tạo nên những tồn tại về mặt SKSS như đã nêu ở trên.
Các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng từ trên xuống đến cơ sở tuy đã quan tâm đến công tác chăm sóc sức khoẻ nghiên cứu, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ  và trẻ em và kế hoạch hoá gia đình (BVSKBMTE/ KHHGĐ), song vì còn rất ít tiếp nhận được những kiến thức và thông tin về SKSS và sức khoẻ tình dục nên chưa có sự quan tâm đúng mức.
Công tác thông tin, giáo dục truyền thông và tư vấn về SKSS còn nhiều thiếu sót về nội dung và loại hình, về xác định đối tượng tham gia và kỹ năng giáo dục truyền thông, về sản xuất tài liệu tuyên truyền vận động cũng như về kinh phí v.v…

2.3.2. Hệ thống cung cấp các dịch vụ BVSKBMTE/KHHGĐ tuy đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh và có nhiều năm kinh nghiệp hoạt động, song vẫn còn nhiều nhược điểm và tồn tại. Đội ngũ cán bộ còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là nữ hộ sinh, trình độ kiến thức, tay  nghề chưa đáp ứng các nhu cầu, không được định kỳ cập nhật một cách cần thiết, hệ thống giám sát chất lượng các dịch vụ kém hiệu lực và ít khả năng cải thiện tình hình. Những điều nêu trên đã làm cho các đơn vị này kém sức hấp dẫn đối với người sử dụng. Sự yếu kém đó còn nghiêm trọng hơn ở những vùng có nhiều khó khăn về địa lý, kinh tế như miền núi, vùng sâu, vùng xa và đã tạo nên sự cách biệt rõ rệt về các chỉ số sức khoẻ giữa thành thị, nông thôn và giữa các vùng.

2.3.3. Việc đầu tư ngân sách cho lĩnh vực này tuy đã được quan tâm song chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong khi việc huy động cộng đồng lại yếu và còn gặp nhiều khó khăn ở những vùng nghèo.

2.3.4. Công tác chỉ đạo và quản lý cũng còn những thiếu sót như chưa xác định rõ nhu cầu một số mặt chăm sóc, nhất là chăm sóc SKSS theo quan niệm mở rộng; các quy định về phân cấp nhiệm vụ, chất lượng kỹ thuật... chưa được cập nhật, bổ sung cho đầy đủ và phù hợp với những quan niệm mới: hệ thống thông tin quản lý y tế và hệ thống thanh tra, kiểm tra việc cung cấp các dịch vụ CSSKSS chưa được hoàn thiện và kém hiệu lực. Đa số các thành viên trong hệ thống chỉ đạo và quản lý các hoạt động CSSKSS ở mọi cấp hiện nay vẫn là nam giới.

2.3.5. Vai trò của các Bộ, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính phủ, chi chính phủ, tư nhân v.v. liên quan đến vấn đề CSSKSS chưa được nghiên cứu phân tích kỹ để xác định nội dung tham gia của các bên và cơ chế phối hợp nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động CSSKSS.
  
2.4.    Các nội dung chính của chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Kế hoạch hoá gia đình
Làm mẹ an toàn 
Thông tin - giáo dục truyền thông và tư vấn.
Nạo hút thai an toàn.
Phòng và điều trị vô sinh.
Phòng và chữa các bệnh lây truyền theo đường tình dục / nhiễm khuẩn đường sinh sản.
Sức khoẻ sinh sản vị thành niên.
Đề phòng và phát hiện sớm các ung thư sinh dục.
Sức khoẻ phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.

2.5.    Các mục tiêu

Mục tiêu 1: Tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như sự ủng hộ và cam kết thực hiện các mục tiêu và các nội dung của CSSKSS trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong cán bộ lãnh đạo các tấp.

Mục tiêu 2: Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh. Bảo đảm quyền sinh con và lựa chọn các biện pháp tránh thai có chất lượng của phụ nữ và các cặp vợ chồng. Giảm có thai ngoài ý muốn và các tai biến do nạo hút thai.

Mục tiêu 3: Nâng cao tình trạng sức khoẻ của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em một cách đồng đều hơn giữa các vùng và các đối tượng, đặc biệt chú ý các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.
  
Mục tiêu 4: Dự phòng có hiệu quả để làm giảm số mắc mới và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/ AIDS và tình trạng vô sinh.

Mục tiêu 5: CSSKSS tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, phát hiện và điều trị sớm các trường hợp ung thư vú và các ung thư khác của đường sinh sản nam và nữ.

Mục tiêu 6: Cải thiện tình hình sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục (SKTD) của vị thành niên (VTN), thông qua việc giáo dục, tư vấn và cung cấp các dịch vụ CSSKSS phù hợp với lứa tuổi.

Mục tiêu 7: Nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ và nam giới về giới tính và tình dục để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm sinh sản, xây dựng quan hệ tình dục an toàn, có trách nhiệm, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản và chất lượng cuộc sống.
  
2.6.    Các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản

2.6.1. KHHGĐ
  
Thực hiện đa dạng hoá các biện pháp tránh thai, cung cấp rộng rãi các biện pháp tránh thai mới đồng thời cung ứng đầy đủ bao cao su và các biện pháp để kết hợp phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS

2.6.2. Bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc các bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc sơ sinh và trẻ em

Phát triển các dịch vụ chăm sóc trước khi sinh, giảm bớt tỷ lệ các bà mẹ không được khám thai trước khi sinh con, tăng tỷ lệ thai phụ được thăm thai đủ 3 lần có chất lượng. 
Tăng tỷ lệ sinh con được cán bộ chuyên môn giúp đỡ. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ chuyên môn có đủ trình độ cho các khoa sản và ngoại sản của các bệnh viện tuyến huyện, nhất là các huyện vùng cao, vùng sâu và hải đảo để có thể thực hiện được các thủ thuật chăm sóc sản khoa thiết yếu và cấp cứu sản khoa nhằm giảm tử vong mẹ. Đẩy mạnh chăm sóc sau sinh để giúp đỡ các bà mẹ giữ gìn sức khoẻ, phòng chống các bệnh tật, biến chứng sau sinh và hướng dẫn cách chăm sóc và nuôi con, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời tư vấn cho các bà mẹ về KHHGĐ, giúp họ quyết định và thực hiện một cách đúng đắn việc sinh con lần sau. Có chế độ ghi chép, theo dõi các hoạt động chăm sóc sau sinh và có tổng kết đánh giá những tiến bộ sau này.
  
2.6.3. Nạo phá thai an toàn, xử lý tốt các biến chứng và chăm sóc sau nạo phá thai

Có đủ cán bộ chuyên môn vững tay nghề và các điều kiện vật chất trang thiết bị thuốc men cần thiết để thực hiện nạo phá thai an toàn, điều trị tốt các tai biến do nạo phá thai và thực hiện tốt các chăm sóc và tư vấn sau nạo phá thai.

2.6.4. Dự phòng và điều trị các nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền đường tình dục HIV/AIDS

Mọi cơ sở y tế và một số cơ sở dịch vụ KHHGĐ có điều kiện về cơ sở vật chất và cán bộ cần được cung cấp các trang thiết bị, thuốc men để chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường về nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền đường tình dục. Đối với những vùng xa xôi, đi lại khó khăn cần tổ chức các đội dự phòng, phát hiện và điều trị lưu động các bệnh trên và có chính sách khuyến khích đi khám chữa bệnh như giảm hoặc giảm miễn phí, đặc biệt là cho các đối tượng nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và ở những vùng có tỷ lệ mắc cao.

2.6.5. Phát hiện và điều trị sớm các ung thư đường sinh sản
  
Tổ chức rộng rãi việc thăm khám hàng loạt phát hiện bệnh ung thư, đặc biệt là ở phụ nữ bằng các xét nghiệm hoặc nghiệm pháp đơn giản, tổ chức khám phát hiện ung thư ung thư định kỳ 6 tháng, một năm một lần, có phương tiện lấy bệnh phẩm, làm xét nghiệm, chú ý các phụ nữ 45 tuổi trở lên. Bảo đảm việc CSSKSS người cao tuổi và chẩn đoán, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân ung thư ở các bệnh viện theo quy định được phân cấp.

2.6.6. Dự phòng và điều trị vô sinh

Phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan đến vô sinh bằng cách kiện toàn và nâng cao chất lượng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị vô sinh ở các tuyến đồng thời nghiên cứu để ban hành các văn bản pháp qui về cho và nhận tế bào noãn, tinh trùng và những vấn đề khác có liên quan đến việc có con nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

2.6.7. CSSKSS vị thành niên
- Đối với thiếu niên:
+ Nguyên lý hành động là cung cấp thông tin cho các thiếu niên hiểu rõ về giới tính, đề phòng có thai ngoài ý muốn, đề phòng các bệnh lây truyền theo tình dục có nguy cơ dẫn đến vô sinh. Cũng cần giáo dục cho những người trẻ tuổi rõ cần tôn trọng sự tự quyết của phụ nữ và chia sẻ với họ trách nhiệm trong những vấn đề về tình dục và sinh sản. Đẻ sớm không những có nguy cơ làm tăng nhanh dân số và còn làm tăng nguy cơ tử vong người mẹ, tăng tỉ mắc bệnh và tử vong của trẻ lên nhiều. Lấy chồng sớm và đẻ sớm làm giảm khả năng học tập và lao động của các phụ nữ trẻ, làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và con cái họ.
+ Tình yêu và luyến ái lành mạnh.
+ Phổ biến kiến thức về vệ sinh kinh nguyệt và vệ sinh bộ phận sinh dục.
+ Mục tiêu là giải quyết những vấn đề về sức khỏe tình dục và sinh sản cửa thiếu niên, chủ yếu là tránh có thai ngoài ý muốn và phá thai trong những điều kiện kém an toàn, tránh những bệnh lây truyền theo đường tình dục và nhiễm HIV, làm giảm hẳn tỉ lệ có thai ở tuổi thiếu niên. 
+ Biện pháp gồm hướng dẫn thiếu niên xử sự đúng đắn về giới tính và sinh sản. Những bậc làm cha mẹ và những người có trách nhiệm trước chính quyền có quyền , có nghĩa vụ và trách nhiệm làm việc đó kể cả việc xóa bỏ những luật lệ và quy tắc xã hội, tôn giáo ngăn cấm cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thiếu niên .

- Giới tính và các mối liên quan giữa hai giới:
+ Giới tính và mối liên quan giữa hai giới là một khối thống nhất, ảnh hưởng đến khả năng tạo cho người đàn ông và người đàn bà có một cuộc sống lành mạnh, làm chủ được vận mệnh của mình về phương diện sinh sản. Những quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực tình dục và sinh sản trong đó có sự tôn trọng đầy đủ và hòan tòan về cơ thể con người, ý thức trách nhiệm bình đẳng và quan tâm lẫn nhau tạo điều kiện cho những quan hệ hài hòa giữa nam và nữ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
+ Bạo lực đối với phụ nữ và sự cưỡng dâm ngày càng phổ biến khiến AIDS và các bệnh lây truyền theo tình dục ngày càng đe dọa và chà đạp lên những quyền cơ bản của phụ nữ và gây ra nguy cơ chủ yếu và thường xuyên cho sức khỏe của họ.
+ Mục tiêu nhằm khuyến khích đẩy mạnh những thông tin, giáo dục và dịch vụ để phát triển những quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai giới để cải thiện chất lượng cuộc sống con người.
+ Biện pháp gồm những họat động giáo dục trong gia đình, trong cộng đồng, trong trường học, ngoài trường học theo từng lứa tuổi, kể cả người lớn đặc biệt đối với nam giới. cấm sản xuất và buôn bán các văn hóa phẩm khiêu dâm đồi trụy đối với trẻ em.
+ Nội dung gồm những vấn đề cấp thiết như tránh những thai nghén không mong muốn, ngăn chặn lan truyền bệnh AIDS, bệnh lây truyền theo đường tình dục và những hành động hung bạo đối với phụ nữ trong đó có cả cưỡng dâm, bóc lột và cưỡng ép mại dâm.
  
2.7.    Phát hiện sớm các khối u phụ khoa

-        Thường xuyên tự nắn vú để phát hiện sớm các khối u và điều trị sớm  khi nó mới xuất hiện
-        6 tháng một lần nên làm phiến đồ âm đạo - cổ tử cung để phát hiện những tế bào bất thường, hoặc soi cổ tử cung nếu thấy có tổn thương và điều trị sớm những tổn thương ở cổ tử cung.

2.8.    Rối loạn tiền mãn kinh và mãn kinh

-        Những dấu hiệu bất thường có thể có trong giai đoạn tiền mãn kinh: rong kinh, kinh mau, kinh thưa…
-        Những dấu hiệu bất thường có thể gặp trong thời kỳ mãn kinh: bốc hỏa, hồi hộp, đánh trống ngực, lạnh đầu chi.
-        Những nguy cơ có thể gặp trong thời kỳ mãn kinh: loãng xương dẫn đến gãy xương (hay gặp nhất là gãy cổ xương đùi và cột sống thắt lưng), ung thư niêm mạc tử cung.