Thời gian gần đây, các bệnh viện đã tiếp nhận một số
trường hợp trẻ bị bạch hầu, lao, sởi, quai bị... mặc dù các bệnh nhân nhi này đã
được tiêm vắc xin phòng ngừa theo.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo các bác sĩ, trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm các loại bệnh trên
là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do trẻ được tiêm không
đúng, không đủ liều.
Theo Chương
trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ em được tiêm vắc xin phòng một số bệnh như bạch hầu,
sởi, ho gà, bại liệt, uốn ván, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, quai bị, tả,
thương hàn… Nhưng gần đây, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nhi đến điều
trị các bệnh này.
Tiêm chủng là cho trẻ tiêm hoặc uống một sinh phẩm mà
người ta gọi là vắc xin, để cơ thể trẻ tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn gây
bệnh nhằm phòng bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có trẻ mắc những bệnh này dù đã
được tiêm phòng. Bác sĩ Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng
định: Nếu trẻ đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh quai bị, sởi, rubella, thủy đậu
thường do tiêm không đủ liều, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm so với thời gian quy
định; hoặc do cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang bị một
số bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm vi rút nặng.
Có thể khẳng định rằng, khi trẻ đã được tiêm vắc xin
phòng bệnh thì dù có bị nhiễm bệnh đó thì diễn biến bệnh cũng nhẹ hơn.
Ví dụ nếu
trẻ tiêm vắc xin lao rồi nhưng vẫn bị lao thì cũng chỉ là lao sơ nhiễm chứ không
mắc các thể lao nặng như các cháu không tiêm. Nếu không tiêm phòng thì trẻ có
thể bị lao toàn thể, lao não, lao phổi. Tương tự bệnh thủy đậu hay sởi cũng vậy,
nếu được tiêm phòng thì trẻ cũng sốt nhẹ hơn, chữa bệnh mau khỏi hơn. Điều này
cho thấy việc tiêm phòng cho trẻ là rất cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện
Bạch Mai khuyến cáo, để giảm tình trạng đã tiêm vắc xin rồi mà vẫn bị mắc thì đầu
tiên là phải tiêm đầy đủ theo đúng lịch. Nếu được tiêm phòng đầy đủ, khả năng tạo
được kháng thể bảo vệ cho cơ thể trẻ là trên 90%; đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ,
hiệu quả tiêm chủng càng cao. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch không chỉ tạo sức đề
kháng chống lại một số bệnh nguy hiểm mà còn giúp tránh được những nguy cơ nhiễm
bệnh, nguy cơ tàn tật sau này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phòng bệnh theo
mùa và chú ý chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Nguồn:yteduphong