Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Bệnh quanh răng


1. Hình thái giải phẫu, tổ chức học và sinh lý của vùng quanh răng: 

Vùng quanh răng gồm: Lợi, dây chằng, xương ổ răng.


1.1 Lợi

Lợi gồm lợi tự do và lợi dính. Lợi tự do gồm nhú lợi và viền lợi, áp sát vào răng nhưng không dính vào răng tạo nên một túi ảo sâu từ 0,5 đến 1,5 ly gọi là túi lợi sinh lý, đáy túi lợi là lợi dính.
Lợi dính là phần tiếp theo lợi tự do, gồm 2 phần: Phần trên bám vào chân răng và phần dưới bám vào xương ổ răng.

Mặt ngoài của lợi dính và lợi tự do được phủ bởi biểu mô sừng hoá. Lợi dính có màu hồng nhạt hơn lợi tự do. Về vi thể lợi cấu tạo bởi lớp biểu mô dính và tổ chức liên kết. Màu của lợi phụ thuộc vào mật độ mao mạch và các hạt sắc tố.
1.2. Dây chằng quanh răng

Là những bó sợi keo có nguồn gốc trung mô, có chức năng giữ răng trong ổ răng và vùng quanh răng, gồm các nhóm:

Nhóm cổ răng hay nhóm mào ổ răng

Nhóm ngang

Nhóm chéo

Nhóm cương răng

Nhóm giữa các chân răng.

1.3. Xương ổ răng

Là một bộ phận của xương hàm, gồm lá xương thành trong huyệt ổ răng gọi là lá cứng (lamina dura) có nhiều lỗ cho mạch máu và thần kinh từ xương hàm đi vào dinh dưỡng cho răng và vùng quanh răng, tổ chức xương chống đỡ xung quanh ổ răng phía ngách lợi, hàm ếch và lưỡi là tổ chức xương đặc hay lớp vỏ. Giữa lá xương thành trong huyệt răng và vỏ là xương xốp.

Xương ổ răng có quá trình tiêu và bồi đắp cân bằng sinh lý. Trong trường hợp bệnh lý, quá trình tiêu xương nhanh và mạnh hơn quá trình bồi đắp dẫn đến tiêu xương
  răng và xương bị phá huỷ dần.


1.4. Xương răng

Được hình thành trong quá trình hình thành thân răng, là dạng đặc biệt của xương, có thành phần hữu cơ và vô cơ chiếm tỷ lệ ngang nhau. Xương răng bao phủ ngà chân răng dày nhất ở vùng cuống mỏng nhất ở vùng cổ răng. Xương răng được đắp dày thêm từ từ và đều đặn theo tuổi ngoài ra còn do các yếu tố khác như: Kích thích của quá trình viêm, hoá chất và do chuyển hoá.

Về chức phận xương răng tham gia vàn sự hình thành hệ thống cơ học nối liền răng với xương răng, cùng với xương ổ răng giữ bề rộng cần thiết cho vùng dây chằng quanh răng, bảo vệ ngà răng, tham gia sửa chữa một số trường hợp tổn thương ngà chân răng.

1.5. Dinh dưỡng cho vùng quanh răng

Đa số động mạch đến từ động mạch gốc ở vùng cuống răng, sau đó phân nhánh vào tuỷ răng qua lỗ cuống răng và vào vùng quanh răng. Ở khe quanh răng có mạng lưới dày đặc mạch máu như một cái sọt bao quanh chân răng. Ngoài ra có các mạch máu từ phía tiền đình lợi, hàm ếch, lưỡi chạy hướng lên phía bờ lợi, toả các nhánh vào phần lợi, dây chằng cũng như xương thành ngoài bao quanh ổ răng.
. Khái niệm, dịch tễ học và phân loại bệnh quanh răng

Bệnh quanh răng được loài người biết từ lâu với đặc điểm là túi mủ chân răng. Bệnh rất thường gặp, đứng thứ hai sau bệnh sâu răng, chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh răng hàm mặt. Theo các tác giả châu âu bệnh quanh răng chiếm 35% dân số tuổi từ 18 trở lên. Bệnh quanh răng là bệnh của các tổ chức giữ răng trong xương hàm (lợi, dây chằng, xương ổ răng), nó có tác dụng bảo vệ và cùng với răng thực hiện các chức năng nhai và phát âm.

Hiện nay người ta phân loại dựa theo yếu tố bệnh căn và quá trình bệnh lý bao gồm :

-  Viêm lợi: Tổ chức viêm chỉ khu trú ở lợi.

-   Viêm quanh răng: Tổ chức viêm lan rộng, ngoài phần lợi nó còn phá huỷ dây chằng quanh răng, xương ổ răng và xương răng.

-   Hư quanh răng: Là hiện tượng thoái hoá các tổ chức quanh răng mà không có viêm tiên phát.

-   Teo vùng quanh răng: Là tiêu các tổ chức quanh răng do mất tế bào và các sản phẩm của nó

Bệnh quanh răng thường gặp ở người lớn, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Có nhiều chỉ số giúp đánh giá bệnh vùng quanh răng, trong đó có những chỉ số thường dùng như:

Chỉ số vệ sinh răng miệng đơn giản (simplified oan hygine index (OHI- S) của Greene và Vermillion, 1964) đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng của cá nhân và cộng đồng trong điều tra dịch tễ học khám 6 răng đại diện là 16, 21, 24, 36, 41, 44. Khám phát hiện cao răng và mảng bám răng.

Chỉ số lợi (gingival index - GI của Loe và Silness, 1965) đánh giá tình trạng lợi các răng 16, 21, 24, 36, 41, 44 phát hiện tình trạng lợi viêm với các mức độ nhẹ, vừa và nặng

Chỉ số quanh răng của Russell (Periodontal index - PI của Russell, 1956) đánh giá tất cả tình trạng lợi của các răng về tình trạng viêm và xương ổ răng bị phá huỷ ở các mức độ

Chỉ số nhu cầu điều trị (Community Periodontal Index of treatment needs - CPITN của Ainamo, 1978 - 1982) chỉ số dựa vào sự đánh giá những răng biểu thị về tình trạng lợi viêm, độ sâu của túi quanh răng, sự có mặt của cao răng trên và dưới lợi. Chia 2 hàm thành 6 vùng, khám mỗi vùng 1 - 2 răng đại diện mà ở đó tình trạng bệnh lý nặng nhất nhằm đánh giá nhu cầu điều trị cộng đồng, hoạch định nhân lực và kinh phí trang thiết bị cho việc chăn sóc răng miệng cộng đồng.


3. Viêm lợi

Viêm vì vì viêm khu trú ở lại không ảnh hưởng tới dây chằng ở xương ổ răng.

3.1 Nguyên nhân

Chủ yếu do vi khuẩn mảng bám răng thường là cầu khuẩn và trực khuẩn, vi khuẩn sợi, do virus, do sang chấn, do các tác nhân lý hóa học, do mọc răng, do các biến chứng của sâu răng, do thay đổi nội tiết...

3.2. Lâm sàng

Rất đa dạng, viêm phá huỷ nhú lợi, viêm lợi và lợi bám dính, có thể viêm đỏ, viêm thanh dịch, viêm loét, viêm phì đại, ngoài ra có thể gặp viêm đặc hiệu do gan và giang mai. Khi lợi viêm thường có màu đỏ do xung huyết, đau, dễ chảy máu khi ăn nhai, hoặc khi chải răng, khi mút chíp, đôi khi chảy máu tự nhiên.
3.3. Tiến triển

Nếu điều trị đúng phương pháp và vệ sinh răng miệng tốt lợi sẽ trở về bình thường. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng, vệ sinh răng miệng kém sẽ dẫn đến viêm mãn tính và một số trường hợp có thể tiến triển tới viêm quanh răng.

3.4. Điều trị trong thời gian viêm cấp tính

Tại chỗ: Bơm rửa bằng H2O2 3 - 6 thể tích hoặc tím gential 1 - 2%. Sau 1 - 2 ngày lấy cao răng triệt để và giữ vệ sinh răng miệng.

Toàn thân : Có thể dùng kháng sinh toàn thân trong một số trường hợp cần thiết.

4. Viêm quanh răng

4.1. Khái niệm về viêm quanh răng

Viêm quanh răng là bệnh viêm và phá hủy tổ chức quanh răng. Làm lung lay và ngày càng lung lay một nhóm răng hoặc cả hệ thống răng.
4.2. Nguyên nhân

Do yếu tố kích thích tại chỗ là vi khuẩn ở mảng bám răng và phản ứng tự vệ của lợi, trước hết duy trị viêm nhiễm ở túi lợi lâu ngày dẫn tới phá hủy phần lợi dính vào răng, túi lợi sâu xuống gây tiêu xương ổ răng. Trong nguyên nhân này có vai trò của đáp ứng miễn dịch (phản ứng túc chủ).
Do các bệnh toàn thân làm yếu tổ chức quanh răng dẫn đến viêm quanh răng: Đái tháo đường, xơ gan, nhiễm độc toàn thân, bệnh máu, bệnh động kinh, tâm thần.

Do khớp cắn sang chấn: Răng bị lệch lạc hoặc do sai sót trong điều trị (hàn cao, cầu, chụp răng không đúng quy cách...)

4.3. Lâm sàng

4.3.1. Thời kỳ đầu

Lợi nề đỏ, chảy máu lợi khi chải răng, hơi thở hôi, có mảng bám răng và cao răng bám vào răng cả ở phía trên lợi và phía dưới lợi dần tới hình thành túi lợi bệnh lý ( >l,5 mm), răng lung lay nhẹ.

Có một số trường hợp thấy răng cửa ngày càng thưa ra kèm theo hơi thở nặng mùi, dần dần có túi lợi bệnh lý.

Chụp X quang thấy hình ảnh tiêu xương ổ răng.

Những triệu chứng trên xuất hiện ở từng nhóm răng hoặc cả hai hàm răng. Lúc người khoẻ, dinh dưỡng tốt, được nghỉ ngơi thì biểu hiện nhẹ. Những lúc làm việc nhiều người mệt mỏi, tinh thần căng thẳng thì biểu hiện nặng. Chức năng ăn nhai bị ảnh hưởng. Thời kỳ này kéo dài vài năm thì chuyển sang thời kỳ viêm nặng.

4.3.2. Thời kỳ viêm nặng

Túi lợi bệnh lý ngày càng sâu. Khi túi lợi sâu từ 4mm trở lên thì tại túi lợi luôn luôn có quá trình viêm mãn tính xen kẽ những đợt cấp tính làm bệnh nhân đau nhức. Chảy máu chân răng thường xuyên hơn, có nhiều mủ trong túi lợi, răng lung lay nhiều hơn.
Khi xương ổ răng tiêu quá 1/2 chân răng thì viêm quanh răng phát triển nhanh hơn. Do tiêu xương ổ răng, hở cổ răng nên ăn uống nóng lạnh làm buốt chân răng hoặc bị sâu răng thứ phát hay viêm tuỷ ngược dòng.

Chức năng ăn nhai ở giai đoạn này giảm rõ rệt, nếu không được điều trị đúng phương pháp bệnh nhân sẽ mất dần răng.

Trong cả hai thời kỳ bệnh nhân thường không sất hoặc chỉ sất nhẹ trong những đợt cấp.

4.3.3. Các thể lâm sàng

Viêm quanh răng cấp tính ở người trẻ: Gặp ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Bệnh tiến triển nhanh dẫn đến mất răng nhanh chóng (hiếm gặp).

Viêm quanh răng tiến triển nhanh: Gặp ở người trưởng thành từ 18 - 30 tuổi Viêm có thể khu trú ở 1 vùng hoặc cả hàm, có thể tiêu xương theo cả hai chiều ngang và sâu, tiến triển nhanh.

Viêm quanh răng mãn tính: Gặp ở tuổi trung niên, tiến triển chậm từng đợt thời gian dài, điều trị đúng và kịp thời kết quả tốt.

Viêm quanh răng kèm viêm lợi loét hoại tử. Thể này nặng cần điều trị tích cực.

4.4. Chẩn đoán - điều trị và phòng bệnh

4.4.1. Chẩn đoán

Chẩn đoán phân biệt với viêm lợi: Bệnh chỉ khu trú ở lợi, dây chằng và xương ổ răng bình thường.

Chẩn đoán xác định: Dựa vào các tiêu chuẩn sau:

-  Lợi viêm, chảy máu, có túi lợi bệnh lý.

-  Răng lung lay cả nhóm hoặc cả hàm.

-   Chụp X. quang có hình ảnh tiêu xương ổ răng (nếu có điều kiện nên chụp toàn cảnh để đánh giá đầy đủ hơn).

4.4.2. Điều trị

Loại trừ kích thích tại chỗ: Làm sạch răng bằng cách lấy cao răng triệt để và hướng dẫn bệnh nhân phương pháp vệ sinh răng miệng. Sửa hàm kênh, sửa hàm giả sai kỹ thuật, chữa nhổ các răng và chân răng cần chữa nhổ.

Dùng kháng sinh trong những đợt cấp: (Kháng sinh có tác dụng tốt với viêm quanh răng là Tetraxycline, Rodogyl...).

Điều trị các bệnh toàn thân nếu có.

Chỉnh khớp răng nếu có khớp cắn sang chấn.


4.4.3. Phòng bệnh

Trong thời kỳ thai nghén người mẹ cần ăn uống đủ chất để thai nhi phát triển tốt trẻ sơ sinh cần nuôi dưỡng đầy đủ bằng sữa mẹ, trẻ học tiểu học, trung học cơ sở cần hướng dẫn phương pháp chải răng, vệ sinh răng miệng.

Tuổi dậy thì cần đặc biệt quan tâm giữ vệ sinh răng miệng, chữa các răng sâu.

Tuổi trưởng thành: Duy trì chăm sóc răng miệng cá nhân tại nhà và khám chữa răng định kỳ 6 tháng 1 lần.