Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Chăm sóc răng miệng ban đầu (CSRMBĐ)


Khái niệm

Chăm sóc răng miệng là những hoạt động để giúp đỡ, giữ gìn và tái lập sức khoẻ răng miệng cho một cộng đồng.


Tổ chức hoạt động CSSKRM ban đầu tại cộng đồng là biện pháp cần thiết, vì:

-        Các bệnh răng miệng rất phổ biến, trong đó có 2 bệnh chủ yếu là sâu răng và viêm lợi - viêm quanh răng. Tính phổ biến thể hiện là: Tỉ lệ người mắc bệnh rất cao. Tại Việt nam, theo điều tra SKRM toàn quốc năm 2000: ở người lớn tỷ lệ sâu răng chiếm trên 75% ở các nhóm tuổi, trung bình mỗi người có gần 3 răng sâu ở tuổi 18 lên đến 8,93 ở tuổi ≥ 45. Trên 90% mắc bệnh viêm lợi và viêm quanh răng.

-        Bệnh răng miệng xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới và bất kỳ vùng địa lý nào.

-        Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, các bệnh răng miệng có thể gây nhiều biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân như: viêm xương hàm, nhiễm khuẩn hàm mặt, nhiễm trùng máu, biến chứng viêm cầu thận, viêm màng tim...

-        Chi phí cho chữa trị các bệnh răng miệng rất tốn kém do tỉ lệ mắc bệnh cao và trang thiết bị nha khoa rất đắt tiền. Ở Mỹ năm 1978 chi phí cho điều trị sâu răng là 9 tỉ USD mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu.

-        Tỉ lệ bác sĩ nha khoa trên số dân ở Việt nam tính đến năm 2000 mới đạt 1/25000 - 30000 dân, thấp hơn 10 lần so với tỉ lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa số này chủ yếu tập trung ở các đô thị, có tỉnh chỉ có 1 - 3 bác sĩ chuyên khoa.

-        Các nước công nghiệp hoá đã có rất nhiều kinh nghiệm và đã thành công trong việc triển khai các chương trình phòng bệnh răng miệng như: Mỹ, Canada, Australia và các nước Bắc Âu.

Nội dung hoạt động trong CSRMBĐ

Giáo dục nha khoa

Nội dung giáo dục cho cá nhân:

-        Giáo dục vệ sinh răng miệng: chải răng, xỉa răng, cách dùng chỉ tơ nha khóa, xúc miệng.

- Giáo dục cách tự kiểm tra và khám định kỳ.

Nội dung giáo dục cho tập thể, cộng đồng:

-        Thói quen ăn uống: Tránh ăn vặt, ăn đường trước khi đi ngủ, hạn chế ăn đồ ngọt dễ dính: bánh, kẹo...

-        Thay đổi thói quen có hại: Ăn trầu, nghiện rượu, thuốc lá.

-        Chải răng sau các bữa ăn chính hoặc ít nhất 1 lần trong ngày trước khi đi ngủ.

-        Tự kiểm tra răng miệng hàng ngày.

-        Khám định kỳ và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/1ần.

-        Sử dụng kem đánh răng có Fluor và ủng hộ việc Fluor hoá nước uống.

-        Biết lựa chọn các thức ăn, khẩu phần ăn có lợi cho sức khoẻ răng.

Nội dung giáo dục đối tới phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

-        Hướng dẫn chế độ ăn cho sản phụ trước và sau khi sinh.

-        Chế độ vệ sinh răng miệng cho sản phụ.

-        Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ còn bú.

-        Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ.

-        Phát hiện những bất thường về răng miệng.

Hình thức giáo dục

-        Tổ chức những chiến dịch vận động cho sức khoẻ răng miệng.

-        Giáo dục tại các trường phổ thông cơ sở.

-        Giáo dục tại các phòng khám nha khoa cộng đồng.

-        Giáo dục tại phòng khám thai sản.

-        Giáo dục qua các kênh thông tin đại chúng.

Các biện pháp phòng bệnh răng miệng

Các biện pháp phòng bệnh sâu răng

Dựa vào những hiểu biết về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh sâu răng (xem bài bệnh sâu răng) các nhà khoa học đề ra những biện pháp phòng bệnh sâu răng theo các hướng sau:

Giảm mảng bám vi khuẩn: Có 3 phương pháp làm giảm mảng bám răng. Phương

pháp cơ học: Làm sạch răng bằng bàn chải, dùng chỉ tơ nha khoa, tăm nha khoa.

Phương pháp hoá học: Xúc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn: Listerin, Colgate

Plax, Clohexidine l%; nước muối.... Phương pháp sinh học: Đề xuất việc dùng vacxin phòng sâu răng.


Tăng cường sức đề kháng của răng: Men răng được hình thành và phát triển trong điều kiện dinh dưỡng tốt, đủ sinh tố và muối khoáng, đặc biệt là các yếu tố vi lượng thì sẽ có sức đề kháng tốt, chống được sâu răng. Yếu tố vi lượng quan trọng nhất đối với men răng là Fluor.

Tác dụng của Fluor: Tăng cường sức đề kháng của men răng. Kháng khuẩn tại chỗ, có tác dụng diệt khuẩn ở nồng độ cao.

Các biện pháp sử dụng Fluor:

Bổ sung Fluor theo đường toàn thân: Có tác dụng tốt đối với cả răng đang hình thành và răng đã mọc. Có 4 cách sử dụng:

+       Fluor hoá nước máy công cộng: Nồng độ tối ưu trong nước là: 0,7 ± 0,1 ppm, tối đa là 1 ppm (l phần triệu). Biện pháp này có nhiều ưu điểm: Rẻ tiền, hữu hiệu và công bằng nhất cho mọi người trong một cộng đồng; An toàn, dễ kiểm soát; Không đòi hỏi sự hợp tác của người sử dụng; Lợi ích của

thuốc có tác dụng kéo dài, liên tục. Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng từ năm 1991, sau 3 năm, tỉ lệ sâu răng ở trẻ 12 tuổi giảm 30%.

+       Fluor hoá nước uống ở trường học: Dùng cho những nơi không có hệ thống cung cấp nước máy công cộng. Nhược điểm: Khó kiểm soát nồng độ thuốc.

+       Bổ xung Fluor cho chế độ ăn hàng ngày bằng viên Fluor. Dùng cho trẻ 0 đến 16 tuổi ở những nơi có nồng độ Fluor trong nước thấp (cần có sự hướng dẫn cụ thể của nhân viên y tế). Ngoài ra còn có thể bổ sung Fluor ở các dạng như giọt, Fluor vitamin.

+       Fluor hoá muối ăn: Có nhiều vùng ở Trung Quốc áp dụng biện pháp này. Biện pháp này chưa được nghiên cứu và sử dụng tại Việt Nam.

- Các biện pháp sử dụng Fluor bổ xung tại chỗ: Dùng kem đánh răng có Fluor (hàm lượng # 1000 ppm). Hoặc sử dụng dung dịch có FNa 20/00 xúc miệng 1 lần/tuần. Hoặc bôi Fluor trực tiếp trên bề mặt răng.

Ngoài ra, cần thay đổi hoặc kiểm soát các thói quen ăn uống:

-        Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý.

-        Giảm ăn đường, tránh ăn vặt.

Trám bít hố rãnh phòng sâu răng (Fisses seatant): Là biện pháp tốt nhất để phòng sâu răng ở các răng có núm. Phòng và ngăn chặn sâu răng ở các hố, rãnh các răng mới mọc. Đặc biệt đối với những trẻ có nguy cơ sâu răng cao.

Các biện pháp phòng bệnh vùng quanh răng

Nguyên nhân gây bệnh vùng quanh răng:

-        Nguyên nhân chính: Do các yếu tố kích thích tại chỗ như các sản phẩm chuyển hoá trung gian, độc tố của vi khuẩn ở mảng bám răng và cao răng tác động trực tiếp

lên lợi và hệ thống miễn dịch tại chỗ vùng quanh răng.

-        Nguyên nhân phụ (yếu tố thuận lợi): Một số bệnh toàn thân, các yếu tố sang chấn tại chỗ...

Các biện pháp phòng bệnh:

-        Giảm mảng bám vi khuẩn bằng cách: Lấy sạch cao răng. Chải răng và các biện pháp vệ sinh răng miệng cá nhân đúng phương pháp.

-        Giảm thiểu các bẫy mảng bám: Chất hàn thừa nơi kẽ răng, cầu chụp răng giả sai quy cách.

-        Sửa chữa và làm giảm các yếu tố sang chấn.

-        Nắn chỉnh các răng mọc lệch lạc.

Phòng các bệnh ung thư vùng miệng

Đặc điểm của ung thư vùng miệng: Ung thư vùng miệng chiếm tỉ lệ cao trong các loại ung thư. Tổn thương ung thư thường khu trú ở những vùng dễ khám, dễ phát hiện nếu được chú ý. Phát hiện và điều trị sớm ung thư vùng miệng có thể khỏi với tỉ lệ cao. Ung thư vùng miệng di căn sớm vì hệ thống mạch máu và bạch huyết phong phú. Ung thư vùng miệng thường gặp ở người từ tuổi trung niên trở lên, có các kích thích tại chỗ như ăn trầu, nghiện thuốc lá nghiện rượu...

Các biện pháp phòng bệnh: Tuyên truyền giáo dục qua thông tin đại chúng. Những hiểu biết thông thường về ung thư vùng miệng. Tác hại của những thói quen có nguy cơ gây ung thư cao như ăn trầu, nghiện thuốc lá, nghiện rượu... Biện pháp tự kiểm tra vùng miệng, phát hiện những thương tổn bất thường vùng miệng. Đào tạo, tập huấn kiến thức để phát hiện sớm các tổn thương, nghi ngờ ung thư và ung thư vùng miệng cho các nhân viên y tế làm công tác chuyên khoa răng hàm mặt ở các tuyến (từ tuyến cơ sở trở lên) về kinh nghiệm khám phát hiện tổn thương trên lâm sàng và phương pháp phát hiện bằng nhuộm tế bào.

Phương pháp nhuộm tế bào chẩn đoán sớm ung thư (phương pháp xanhto luidin): Làm sạch tổn thương bằng dung dịch nước muối hoặc dung dịch axit acetic 1%. Bôi dung dịch xanh Toluidin 1% trong thời gian 10 - 60 giây lên bề mặt tổn thương. Sau đó xúc miệng kỹ bằng nước sạch hoặc rửa sạch bề mặt tổn thương bằng dung dịch axit acetic 1%. Quan sát: Nếu mô tổn thương bắt màu xanh sẫm là dương tính, màu xanh nhạt hoặc không bắt màu là âm tính. Tuy vậy vẫn chưa thể kết luận chắc chắn, cần tiếp tục gửi lên tuyến chuyên khoa để xét nghiệm tiếp. Ưu điểm của phương pháp xanhto luidin: là phương pháp vô hại, dễ thực hiện có kết quả nhanh có thể làm tại các phòng khám hoặc cộng đồng.

Hoạt động điều trị

Cùng với các biện pháp giáo dục và phòng bệnh. Hoạt động điều trị cũng cần được chú ý:

Khám định kỳ, lập sổ quản lý, theo dõi sức khoẻ răng miệng.

Sơ cứu các tình trạng cấp cứu.

Lấy cao răng định kỳ, nhổ răng lung lay.

Phát hiện và điều trị sớm sâu răng bằng các phương pháp hàn răng không sang chấn.

Tổ chức hoạt động chăm sóc răng miệng ở các tuyến

Tổ chức nha học đường

 Giáo dục nha khoa

Được đưa vào chương trình giảng dạy chính khoá trong các trường mẫu giáo và phổ thông cơ sở. Trong các trường mẫu giáo: Hướng dẫn cách chải răng và tạo thói quen chải răng cho trẻ. Ở các trường phổ thông cơ sở: Hướng dẫn phòng bệnh răng miệng và giáo dục ý thức tự giác chăm sóc răng miệng.

Phòng bệnh

Chải răng sau bữa ăn tại nhà trường.

Xúc miệng 1 lần/tuần bằng dung dịch NaF 20/00.

Trám bít hố rãnh .

Điều trị

Lập hồ sơ sức khoẻ răng miệng, khám định kỳ, lập kế hoạch điều trị sớm các răng sâu.

Nhổ răng sữa thay, nhổ chân răng sữa.

Lấy cao răng.

Hoạt động tại tuyến xã, phường (trạm y tế)

-        Chăm sóc răng miệng cho trẻ em tại trường học.

-        Giáo dục nha khoa cho cộng đồng trong xã.

-        Sơ cứu kỳ đầu các tình trạng cấp cứu.

-        Phòng bệnh vùng quanh răng: Lấy cao răng, nhổ răng lung lay.

Hoạt động tại các tuyến trên

Trung tâm y tế huyện, phòng khám đa khoa khu vực: Phối hợp và chỉ đạo tuyến xã, phường và nha học đường thực hiện công tác CSRMBĐ. Quản lý và theo dõi tình trạng bệnh răng miệng cho cộng đồng trong vùng. Đào tạo, bồi dưỡng và quản lý nhân lực đối với các nhân viên y tế cơ sở làm công tác CSRMBĐ. Làm công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ cấp cứu các bệnh về răng miệng thông thường. Phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc ung thư.

Tuyến tỉnh: Giám sát, chỉ đạo, đánh giá hiệu quả của các chương trình hoạt động CSRMBĐ ở tuyến cơ sở. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điều trị chuyên khoa những trường hợp tuyến dưới chưa điều trị được.