Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Tiêm thuỷ đậu rồi vẫn mắc bệnh: Lỗi do đâu?




Dịch thuỷ đậu đang vào mùa, vốn là bệnh lành tính nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết.


Bệnh nhân bị thuỷ đậu có thể để lại sẹo, biến chứng khác.

Tiêm rồi vẫn bị thuỷ đậu
Chị Hà Thị Mai Trang trú tại phố Hai Bà Trưng, Hà Nội lo lắng vì con trai 4 tuổi của chị đã được tiêm ngừa thuỷ đậu khi 15 tháng nhưng cháu vẫn bị thuỷ đậu. Ban đầu chị Trang còn tưởng muỗi đốt vì thấy những nốt đỏ, nghĩ con đã tiêm phòng nên chị không tin con bị thuỷ đậu.

Đến chiều, chị đang đi làm thì cô giáo của con gọi cho chị thông báo cháu bị lên các nốt ở mặt, bụng nhìn giống thuỷ đậu. Chị Trang đi về đón con và cho con đi khám bác sĩ thì đúng là bị thuỷ đậu thật. Chị ngỡ ngàng nói: “Con tôi đã tiêm ngừa thuỷ đậu và hầu như tất cả các loại vắc xin đang có ở tiêm chủng dịch vụ nhưng hầu như dịch bệnh nào cháu cũng mắc phải”.

Cùng hoàn cảnh với chị Trang, bé Ngô Ngân Hà 18 tháng trú tại Kim Ngưu, Hà Nội cũng bị lên thuỷ đậu dù trước đó bé vừa tiêm phòng thuỷ đậu xong. Mẹ của bé Hà cho rằng có thể đợt tiêm thuỷ đậu đó, cháu đang mọc răng nên không có tác dụng với kháng thế. Nhìn con chằng chịt các nốt ban thuỷ đậu, chị buồn bã không biết ngừa bằng cách nào.

Tiêm rồi vẫn có thể bị

Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Trần Như Dương – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp, nói chuyện với người mắc bệnh. Dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, số mắc tăng cao vào giai đoạn từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 3, tháng 4 hàng năm.

Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh thủy đậu nếu chưa có miễn dịch, tuy nhiên bệnh hay gặp nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi và biểu hiện bệnh nặng cũng thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Triệu chứng chính của bệnh thủy đậu bao gồm khởi phát đột ngột với sốt, người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức mình mẩy, sau đó trên da xuất hiện các mụn bóng nước, trong vòng 24 – 48 giờ mụn nước có thể nổi toàn thân.

Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, số mụn nước sẽ nổi ít hơn, tình trạng bệnh ít trầm trọng. Ngược lại, nếu người bệnh có thể trạng không tốt, bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu, số lượng mụn nước có thể tăng lên rất nhiều, dễ nhiễm trùng da và có biến chứng.

Những trường hợp biến chứng nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não-màng não rất nguy hiểm. Khi thủy đậu bị nhiễm trùng da có thể để lại sẹo xấu rất ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

“Vắc xin thủy đậu cũng giống như các vắc xin khác dù tốt đến đâu thì sau khi tiêm chủng cũng chỉ có khoảng 90% số người được tiêm tạo được miễn dịch bảo vệ phòng bệnh. Như vậy vẫn còn tới 10% số người dù đã được tiêm chủng nhưng không tạo được miễn dịch bảo vệ do cơ thể không đáp ứng với vắc xin và vẫn có khả năng bị mắc bệnh.

Chính vì vậy trên thực tế chúng ta mới thấy một số người mặc dù đã được tiêm vắc xin rồi nhưng vẫn bị mắc bệnh mà nguyên nhân chủ yếu ở đây là do cơ thể không đáp ứng với vắc xin như đã nói ở trên chứ thường không phải do chất lượng vắc xin hay do chất lượng tiêm chủng gây nên” – PGS Dương nói.

Hiện nay, bệnh thuỷ đậu đang vào mùa, PGS Dương nhẫn mạnh biện pháp phòng bệnh thủy đậu quan trọng và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Cả người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên nếu chưa được tiêm vắc xin và chưa bị mắc bệnh trước đó thì đều cần được tiêm chủng. Lịch tiêm vắc xin cụ thể như sau:

Trẻ từ 1 tuổi (từ 12 tháng tuổi) tới 12 tuổi: tiêm một liều càng sớm càng tốt.

Thiếu niên từ 13 tuổi trở lên hoặc người lớn: tiêm 2 liều cách nhau 4-8 tuần.

Không tiêm vắc xin thủy đậu cho phụ nữ có thai. Trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm vắc xin phòng thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi dự định có thai.

Nguồn http://infonet.vn/tiem-thuy-dau-roi-van-mac-benh-loi-do-dau-post194295.info